voucher

Bé 6 tháng tuổi ăn được gì? Gợi ý thực đơn ăn dặm lý tưởng cho bé 6 tháng tuổi

6 tháng tuổi là cột mốc quan trọng trong giai đoạn phát triển của trẻ, ở giai đoạn này trẻ cần có sự tăng trưởng tương đối về cân nặng, cùng với đó là việc bắt đầu làm quen với ăn dặm bởi vì khi trẻ bước sang tháng thứ 6, cơ thể đã phát triển tương đối hoàn chỉnh, trọng lượng của cơ thể gấp đôi so với lúc mới sinh, hệ tiêu hóa đã có khả năng hấp thụ các loại thức ăn đặc. Vậy nên trẻ cần tiếp nhận nguồn dinh dưỡng từ nguồn khác ngoài sữa mẹ. Chính vì thế, việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ ở giai đoạn này được các bậc cha mẹ rất quan tâm.

Nội Dung

I. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 6 tháng tuổi

Trong 6 tháng đầu, sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, khi được 6 tháng tuổi, cơ thể của trẻ cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng hơn để phát triển khỏe mạnh, trong khi sữa mẹ lúc này lại không thể đáp ứng đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, vì vậy bạn nên bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm ở độ tuổi này.

Trong mỗi bữa ăn dặm, cần phải có đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ 6 tháng tuổi: Tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ và vitamin. Tập cho trẻ ăn dặm từ loãng tới đặc, từ ít tới nhiều, đa dạng món ăn, đầy đủ dinh dưỡng và thay đổi thực đơn mỗi bữa khác nhau để giúp trẻ không bị ngán. Theo khuyến cáo thì chỉ nên cho trẻ ăn dặm 2-3 bữa. Tại giai đoạn này trẻ cũng cần được bổ sung thêm men vi sinh (lợi khuẩn) để tăng cường hệ thống miễn dịch ruột, loại trừ vi khuẩn gây hại, tăng cường khả năng hấp thu và chuyển hóa của trẻ.

Ở giai đoạn 6 tháng tuổi, mặc dù bổ sung thêm các nguồn dinh dưỡng khác từ bên ngoài nhưng sữa mẹ vẫn là quan trọng nhất. Sữa mẹ chiếm tỉ lệ 3/4 tổng lượng thức ăn mỗi ngày của trẻ. Một ngày trẻ cần được cung cấp 500ml sữa và hai bữa bột xen kẽ với bú sữa mẹ.

II. Một số lưu ý khi cho trẻ ăn dặm

1. Dấu hiệu nhận biết trẻ đã sẵn sàng ăn dặm.

– Trẻ không còn đẩy đồ ăn ra khi mẹ đút như trước đây.
– Trẻ bắt đầu tập nhai những thứ mẹ cho vào miệng.
– Trẻ bắt đầu có thói quen cầm nắm đồ vật và cho vào miệng gặm.
– Trẻ tự ngồi được mà không cần ba mẹ hỗ trợ.
– Trẻ rất thích ngồi chung với gia đình vào bữa ăn.

Khi có những dấu hiệu này, bố mẹ có thể kết hợp cho trẻ bú sữa mẹ và tập ăn dặm dần với các thực đơn cho trẻ ăn dặm khoa học dinh dưỡng.

2. Một số thực phẩm không nên sử dụng khi cho trẻ ăn dặm

– Mật ong nguyên chất: Tỷ lệ mật ong chứa bào tử vi khuẩn clostridium botulinum là 5%. con số này rất nhỏ, do đó trường hợp ngộ độc mật ong ít xảy ra. Tuy nhiên nếu trẻ đã lỡ ăn phải, hậu quả nhẹ nhất sẽ là ảnh hưởng đến hệ thần kinh và thậm chí có thể gây tử vong. Hàm lượng đường quá cao trong mật ong cũng không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ sơ sinh. Mật ong cũng có thể gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh. Bạn nên cho trẻ ăn sau khi trẻ được 12 tháng tuổi.
– Sữa bò: Không nên cho trẻ uống sữa bò lúc 6 tháng tuổi vì chúng không thể tiêu hóa đúng cách, thậm chí gây chảy máu tiêu hóa ở trẻ sơ sinh.
– Các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao: Như cá kiếm, cá mập, cá thu vua, cá ngừ, cá tuyết, cá trắng, cá trích, cá thu, cá da trơn,…
– Trứng chưa nấu chín: Có thể chứa vi khuẩn Salmonella
– Các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng: Mẹ nên lựa chọn sữa tiệt trùng để đảm bảo cung cấp sữa an toàn nhất cho trẻ.
– Thực phẩm nguyên hạt: Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi ăn vì trẻ có nguy cơ mắc nghẹn, một số trẻ có thể dị ứng với các loại hạt.
Để tránh tình trạng dị ứng, mẹ nên cho bé ăn thử loại hạt trong 3 ngày với một lượng nhỏ và đảm bảo hạt được xay nhuyễn. Nếu có hiện tượng dị ứng phải ngừng cho bé ăn loại hạt đó ngay.

III. Thực đơn ăn dặm tham khảo cho trẻ 6 tháng tuổi

Dưới đây là thực đơn cho trẻ 6 tháng mà Viện Dinh Dưỡng đã chia sẻ để đảm dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

Thứ hai và thứ tư:

– 6 giờ: Bú mẹ hoặc sữa công thức 150 – 200ml
– 9h: Bột thịt lợn gồm 10 gam thịt nạc, 10 gam bột gạo, 5 gam dầu oliu hoặc quả óc chó, 1 thìa cà phê rau xanh.
– 10h: Chuối tiêu khoảng 1/3 quả.
– 11 giờ: Bú sữa mẹ hoặc sữa công thức tùy theo nhu cầu của trẻ.
– 14 giờ: Sữa bột gồm 3 thìa sữa bột, 10g bột gạo, dầu oliu hoặc quả óc chó, 1 thìa rau lá xanh như rau ngót, mồng tơi, súp lơ…
– 16 giờ: Nước cam ngọt
– 18 giờ: Bú mẹ hoặc sữa công thức từ 150-200ml

Thứ ba và thứ năm:

– 6 giờ: Bú mẹ hoặc sữa công thức từ 150-200ml
– 9h: Bột gà gồm 10 gam thịt gà, 10 gam bột gạo, 5 gam dầu ăn, 1 thìa cà phê rau xanh.
– 10 giờ: Đu đủ chín 50 gam
– 11 giờ: Bú sữa mẹ hoặc sữa công thức tùy theo nhu cầu của trẻ.
– 14 giờ: Bột thịt lợn gồm 10 gam thịt nạc, 10 gam bột gạo, 5 gam dầu oliu hoặc quả óc chó, 1 thìa cà phê rau xanh.
– 16 giờ: Nước cam ngọt
– 18 giờ: Bú mẹ hoặc sữa công thức từ 150-200ml

Thứ sáu và Chủ nhật:

– 6 giờ: Bú mẹ hoặc sữa công thức từ 150-200ml
– 9h: Sữa bột gồm 3 thìa sữa bột, 10g bột gạo, dầu oliu hoặc quả óc chó, 1 thìa rau lá xanh như rau ngót, mồng tơi, súp lơ…
– 10 giờ: 1/3 quả hồng xiêm
– 11 giờ: Bú sữa mẹ hoặc sữa công thức tùy theo nhu cầu của trẻ.
– 14 giờ: Bột gà gồm 10 gam thịt gà, 10 gam bột gạo, 5 gam dầu ăn, 1 thìa cà phê rau xanh.
– 16 giờ: Nước cam
– 18 giờ: Bú mẹ hoặc sữa công thức từ 150-200ml

Ngày thứ bảy:

– 6 giờ: Bú mẹ hoặc sữa công thức từ 150-200ml
– 9h: Bột trứng gồm 1 lòng đỏ trứng gà, 10 gam bột gạo, 5 gam dầu oliu hoặc óc chó, dầu gấc, 1 thìa cà phê rau củ tùy ý.
– 10 giờ: 50 gram xoài
– 11 giờ: Bú sữa mẹ hoặc sữa công thức tùy theo nhu cầu của trẻ.
– 14 giờ: Sữa bột gồm 3 thìa sữa bột, 10g bột gạo, dầu oliu hoặc quả óc chó, 1 thìa rau lá xanh như rau ngót, mồng tơi, súp lơ…
– 16 giờ: Nước cam
– 18 giờ: Bú mẹ hoặc sữa công thức từ 150-200ml

Hy vọng với những thông tin chia sẻ bên trên sẽ giúp mẹ có thêm một số kiến thức để bổ sung dinh dưỡng giúp bé phát triển toàn diện . Chúc mẹ và bé thành công.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

//

Nhập thông tin liên hệ tại đây